08/07/2022
Mới đây, một ngân hàng đã phát cảnh báo tới các khách hàng về thủ đoạn của nhiều kẻ xấu giả mạo nhân viên ngân hàng để tiếp cận khách hàng và lừa cho vay tín chấp.
Với chiêu trò mới này, kẻ gian sẽ tự xưng là cán bộ ngân hàng liên lạc khách hàng để hỗ trợ khoản vay tín chấp. Tuy nhiên để được vay tín chấp thì chúng yêu cầu khách hàng phải đóng phí bảo hiểm tài khoản cá nhân kèm theo nhiều thủ đoạn khác nhằm "moi" thêm tiền. Rất nhiều người đã vô tình mắc bẫy, tin tưởng đó là nhân viên ngân hàng mà không xác thực lại dẫn tới việc bị trục lợi tài sản cá nhân.
Ngân hàng này cho biết, thời gian vừa qua đã phát hiện ra nhiều đối tượng mạo danh là nhân viên của ngân hàng gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email lừa đảo hướng dẫn khách hàng đăng ký khoản vay tín chấp.
Cụ thể, khi đã liên lạc với khách hàng và tự nhận mình là nhân viên ngân hàng, kẻ gian sẽ thông báo khách hàng đủ điều kiện vay tín chấp, đồng thời yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để mở hồ sơ vay. Sau khi đã lấy được thông tin khách hàng, chúng sẽ thông báo khoản vay đã được phê duyệt và yêu cầu khách hàng đóng thêm một khoản phí bảo hiểm. Tuy nhiên, kẻ gian yêu cầu phí bảo hiểm này phải chuyển vào một tài khoản cá nhân do chúng cung cấp.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi đã chuyển phí, đối tượng lại tiếp tục dọa hồ sơ vay của khách hàng đang có vấn đề, hệ thống ghi nhận nợ xấu cần đóng tiền để xóa nợ xấu. Nếu khách hàng không nộp tiền thì sẽ không được nhận tiền vay mà còn bị tính là phát sinh dư nợ ngân hàng, đồng nghĩa với việc phải thanh toán cả gốc và lãi của khoản vay. Nhiều người tưởng thật đã đóng tiền cho kẻ gian nhưng không hề biết rằng ngay sau đó chúng đã cắt đứt liên lạc và bị mất toàn bộ số tiền.
Những chiêu trò lừa đảo, giả mạo cán bộ ngân hàng để trục lợi không còn quá xa lạ. Song thời gian qua, kẻ gian thực hiện những chiêu trò này ngày càng tinh vi hơn khiến cho không ít người chủ quan và đã bị mắc bẫy.
Chị N.M.T (Hà Nội) nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng V thông báo chị đủ điều kiện vay tín chấp. Chị T cho biết chị không suy nghĩ gì nhiều bởi chị là khách hàng quen của ngân hàng này nên việc nhận được những cuộc gọi như vậy là rất bình thường. Sau khi đã cung cấp thông tin và đồng ý hợp đồng vay tín chấp với số tiền vay là 50 triệu đồng, kẻ gian đã yêu cầu chị đóng phí bảo hiểm. Chị cũng làm theo hướng dẫn và đóng phí đầy đủ cho nhân viên giả mạo kia. Do chủ quan, nên sau đó chị T đã tiếp tục chuyển cho kẻ gian 10 triệu để giải quyết "nợ xấu" mà kẻ gian thông báo. Tuy nhiên, chỉ ngay sau khi lệnh chuyển khoản thành công, "nhân viên kia" đã biến mất không để lại dấu vết. Chị T tìm đủ mọi cách mà không thể liên lạc được.
Không chỉ chị T mà còn rất nhiều khách hàng khác đã "sập bẫy" kẻ gian vì chưa hiểu rõ quy trình vay vốn tại các ngân hàng. Do đó, ngân hàng đưa ra cảnh bảo để khách hàng cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo, tránh thiệt hại về tài sản.
Khi cấp vốn vay cho khách hàng, ngân hàng nào cũng có quy trình rõ ràng và chặt chẽ khi xét duyệt và giải ngân khoản vay. Ngân hàng cũng sẽ không bao giờ yêu cầu khách hàng nạp tiền/chuyển khoản/ đưa tiền mặt hay thu phí mở hồ sơ vay vốn cho bất kỳ cá nhân nào, kể cả nhân viên ngân hàng. Do vậy, khi thấy dấu hiệu bất thường mà kẻ gian yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản lạ, khách hàng phải đặc biệt lưu ý, vì rất có thể đó là lừa đảo.
Khách hàng cũng cần cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên ngân hàng tiếp thị và hướng dẫn vay vốn không rõ ràng và yêu cầu phải chuyển khoản, thu phí mở thẻ, vay vốn. Đặc biệt, tuyệt đối không được cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép. Ngoài ra, khách hàng không nên truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên các link, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email. Tuyệt đối không nạp tiền, chuyển tiền cho người lạ với nội dung để mở thẻ tín dụng, vay vốn ngân hàng hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ khác.
Theo Nhịp sống kinh tế